Những học giả nổi tiếng như Dương Quảng Hàm, Trần Văn Giáp, Nguyễn Lang, Đỗ Tất Lợi, Hà Văn Tấn cho rằng ông sống vào thế kỷ XVII. Một số khác như Hồng Sơn, Mai Hồng, Lê Trần Đức cho rằng ông sống vào thế kỷ XIV thuộc đời Trần. Nhìn vào số lượng học giả tham gia cuộc tranh luận này, chúng ta thấy họ đều là các chuyên gia của nhiều chuyên ngành khác nhau, từ văn bản học, thư tịch học như Trần Văn Giáp, Mai Hồng; văn học sử như Dương Quảng Hàm; lịch sử Phật giáo Việt Nam như Nguyễn Lang; cho đến khảo cổ học lịch sử như Hà Văn Tấn; y dược học cổ truyền như Đỗ Tất Lợi, Lê Trần Đức. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của nhân vật lịch sử Tuệ Tĩnh. Chính vì thế, bài viết này sẽ góp thêm một tiếng nói trên cơ sở khai thác các sử liệu cổ có đề cập đến nhân vật này. Nhân vật lịch sử của thế kỷ XVII-XVIII?
Giả thuyết này được khá nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ. Những người có tiếng nói quyết định cuối cùng là Đỗ Tất Lợi và Hà Văn Tấn.
Cứ liệu mà Đỗ Tất Lợi dựa vào là tư liệu văn bia chùa Giám (chùa Hải Triều, hay chùa An Trang, Nghiêm Quang thiền tự) ở Cẩm Giàng, Hải Dương. Ông viết: “với lời văn bia này, chúng ta có thể phần nào đoán được Tuệ Tĩnh sống và hoạt động vào ¾ sau của thế kỷ XVII. Vì bia ghi công Tuệ Tĩnh xây dựng chùa vào năm 1717. Năm ấy Tuệ Tĩnh đã 80 – 90 tuổi thì Tuệ Tĩnh sinh vào khoảng giữa 1627 đến 1637, nghĩa là trước Hải Thượng Lãn Ông một thế kỷ”1.
Sau Đỗ Tất Lợi bảy năm, năm 1993, Hà Văn Tấn cũng dựa trên các cứ liệu bi kí tại chùa Giám cho rằng Tuệ Tĩnh sống vào quãng giai đoạn cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Lập luận của ông như sau:
“Rất may là tấm bia Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) vẫn còn nguyên vẹn. Bia có 4 mặt, chữ lớn đề tên bia chạy quanh 4 mặt: Nghiêm Quang thiền tự danh lam cổ tích hưng công cấu tác thánh tượng bi ký. Dòng ghi niên đại của bia ở mặt cuối: Vĩnh Thịnh thập tam niên tam nguyệt thập nhị nhật (Vĩnh Thịnh năm thứ 13 tháng 3 ngày 12). Ngay dòng đầu bia cho biết người làm bia là sa di tự Như Ứng hiệu Tuệ Phái. Bia nói về những lần tạo tượng ở trong chùa. Trước hết là nói đến lần đúc tượng Quan Âm 24 tay vào năm Tân Mão (1711). Sau khi hoàn thành, chùa lập bia thì nghiêm sư đã tịch. “Nghiêm sư” đó là ai? Trong danh sách những người bỏ công của để làm việc này, ta gặp dòng đầu ghi Hưng công hội chủ sa môn Chân An Giác Tính Tuệ Tĩnh thiền sư. Như vậy là thiền sư Tuệ Tĩnh có cái tên đầy đủ là Chân An Giác Tính Tuệ Tĩnh, đã đứng đầu trong việc đúc tượng Quan Âm năm 1711. Có người cho là Tuệ Tĩnh vẫn còn sống vào năm lập bia tức 1717. Nhưng điều này không đúng. Lúc đó ông đã chết. Vậy ông chết vào năm nào. May thay, ở mặt bia bên cạnh có câu ghi rõ: Quý tỵ niên tôn sư tịch mịch, tư niên thần đệ tử trụ trì tăng sa di tự Như Ứng hiệu Tuệ Phái kiến lập sao văn tự lưu truyền cổ tích dĩ hậu lai tri (Năm Quý Tỵ tôn sư tịch, năm đó đệ tử là sư trụ trì sa di tự là Như Ứng hiệu là Tuệ Phái dựng (bia) sao lại bài văn để lưu truyền dấu xưa cho mai sau biết). Vậy là có thể biết Tuệ Tĩnh mất năm Quý Tỵ tức năm 1713 v.v… Đáng mừng là trên một cây hương (cột thiên đài) bằng đá dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706) có dòng chữ: hưng công hội thủ uẩn tồn tây thổ tự ấu xuất gia tiệm tu giới hạnh Trúc lâm đầu đà Ma ha tỉ khâu Chỉ Ngu 2 hòa thượng sa môn Chân An. Chân An, như ta đã thấy, tức Tuệ Tĩnh. Qua câu này ta thấy Tuệ Tĩnh đã xuất gia từ bé. Như vậy, là không có chuyện ông đi học, làm quan, rồi mới xuất gia và chết ở Trung Quốc như truyền thuyết đã nói”3.
Những bài viết của Đỗ Tất Lợi và Hà Văn Tấn, hai học giả quyền uy của thế kỷ XX, đã đặt dấu chấm hết cho những tranh luận trong suốt thế kỷ. Những cứ liệu bi ký được coi như những sử liệu quan trọng để đưa ra những kết luận cuối cùng: Tuệ Tĩnh sống vào thế kỷ XVII, và mất đầu thế kỷ XVIII. Thế nhưng, chúng tôi thấy rằng, các tác giả chưa đề cập đến các thư tịch thành văn khác, như các sách Hồng Nghĩa Giác Tư y thư, Hải Dương phong vật chí, Nam dược thần hiệu, Quốc sử di biên. Để giám định lại vấn đề văn bản học, chúng tôi đã xuống tận di tích để nghiên cứu các bia ký tại chùa Giám viết về Tuệ Tĩnh. Kết quả giám định sẽ được trình bày như dưới đây.
Tuệ Tĩnh hay Tuệ Tịnh?
Khi giám định và khai thác các văn bia tại chùa Giám, chúng tôi thấy có một nhầm lẫn đã xảy ra, các tác giả đã không nhận thấy sự khác nhau về văn tự học của tên người: 慧竫 (Tuệ Tĩnh) và 慧凈 (Tuệ Tịnh).
Sau khi đã khảo sát hiện vật gốc. Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu lịch sử vấn đề, thì được biết trước đó, tác giả Mai Hồng và Phó Đức Thảo trong bài Về nhân vật lịch sử Tuệ Tĩnh đã từng trỏ ra sự khác biệt về tự dạng của các chữ này như sau:
“Tấm bia này nói về công việc tạc tượng Phật bà Quan Âm, sơn lại các tượng và tu sửa ở chùa Nghiêm Quang do nhà sư Sa môn Chân An Giác Tính hiệu Tuệ Tịnh chủ trì. Chữ Tịnh viết Băng với Tranh (净 âm là Tịnh, tật sính thiết) có nghĩa là thanh tịnh. Còn danh y đời trước làm thuốc ở chùa ấy có để lại sách thuốc và đã giải nghĩa sách Thiền tông khóa hư lục là Thận Trai Tráng Tử Vô Dật Tuệ Tĩnh. Chữ Tĩnh viết Lập 立 với Thanh 青 (靖) hay Thanh với Tranh 爭 (静 âm là Tĩnh, tập tính thiết) có nghĩa là yên tĩnh, tịch tĩnh. Hai người có tên hiệu, chữ Hán viết khác nhau, nghĩa khác nhau, âm thì na ná giống nhau, mà biệt hiệu của mỗi người có sáu chữ thì khác nhau rõ rệt”4.
Như vậy tên vị thiền sư được khắc trên ba bi kí5 tại chùa Nghiêm Quang (chùa Giám) là 慧净 (TUỆ TỊNH), khác với cách phiên của hai tác giả Hà Văn Tấn và Đỗ Tất Lợi.
Theo Hán ngữ đại tự điển, chữ TỊNH nghĩa thứ nhất là “thanh khiết sạch sẽ”, nghĩa thứ năm là thuật ngữ của nhà Phật trỏ “trừ bỏ dục vọng, không bị tạp nhiễm, như câu: lục căn đã tịnh”, nghĩa là “lục căn đã bị trừ bỏ”6. Tại mục từ TĨNH, tự điển này ghi nhận mười lăm nghĩa, trong đó ghi: “tĩnh: an, lặng, trái với động, v.v…”. Dù rằng, nghĩa của hai chữ trên khá gần với nhau, và có thể dùng thông nghĩa với nhau song chúng có sự khác biệt về tự dạng và âm đọc như đã nêu. Chúng tôi không phủ nhận rằng có một thiền sư từng tu tập tại chùa Giám vào thế kỷ XVII. Nhưng vị thiền sư này không phải là y sư Tuệ Tĩnh mà lâu nay mọi người vẫn nhắc đến.
Chúng tôi đồng ý với cách lý giải của nhóm Mai Hồng. Thiền sư Tuệ Tịnh thế kỷ XVII-XVIII có hiệu là Chân An Giác Tính Tuệ Tịnh (真安覺性慧净), khác hẳn với tự hiệu của vị y sư nổi tiếng là Hồng Nghĩa – Thận Trai – Tráng Tử – Vô Dật – Tuệ Tĩnh (洪義-慎齋-戇子-無逸- 慧靖). Tên hiệu đầu tiên của Tuệ Tĩnh là Hồng Nghĩa, vốn ghép từ hai địa danh Nghĩa Phú và Thượng Hồng (hai địa danh thời Trần, là quê hương của ông). Ngoài ra, Tuệ Tĩnh vào đầu thế kỷ XVIII còn được chúa Trịnh ban cho thụy hiệu là Giác Tư, và đặt tên sách của ông là Hồng Nghĩa Giác Tư y thư. Những cứ liệu về tên tự tên hiệu này cho thấy Tuệ Tĩnh và Tuệ Tịnh là hai người khác nhau.
Tuệ Tịnh là ai? Tạm thời ta chưa biết thiền sư Tuệ Tịnh tên thật là gì, quê quán ở đâu. Theo cây hương và văn bia có tại chùa Giám thì Chân An Tuệ Tịnh đã “hun tàng ở trời Tây, từ nhỏ xuất gia, dần tu giới hạnh”7. Ông tu theo dòng Lâm Tế hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà Ma Kha Tì Khưu Nghệ Ngu Hòa thượng. Ngoài ra còn có hiệu Chân An Giác Tính. Có khả năng Chân An Tuệ Tịnh chính là người cho dựng tòa cửu phẩm liên hoa tại chùa Giám, giống như ba tòa phẩm tại chùa Động Ngọ (Hải Dương), chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh), chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) của thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng8. Năm Tân Mão (1711), ông hưng công đúc một tòa hai pho thánh tượng Giác hoa Mục Liên toàn bằng vàng. Công việc hoàn tất nhưng chưa kịp làm lễ khánh thành thì đến năm Quý Tỵ (1713) ông đã viên tịch. Đệ tử truyền thừa là ngài Như Ứng hiệu Tuệ Phái lên trụ trì bèn dựng bia9. Đỗ Tất Lợi, không biết dựa vào nguồn sử liệu nào ghi ông thọ 80 – 90 tuổi, mà cho rằng ông sinh vào quãng những năm 1620 đến 1630.
Như vậy, chúng tôi cho rằng có hai thiền sư (Tuệ Tĩnh/ Tuệ Tịnh) khác nhau bởi các nội dung được đề cập qua tư liệu văn bia tại chùa Giám (Cẩm Giàng, Hải Dương) không hề có thông tin nào trùng khít với hành trạng và trước tác của Tráng Tử Vô Dật Tuệ Tĩnh. Chỉ có một chi tiết trùng hợp ngẫu nhiên là Chân An Giác Tính Tuệ Tịnh tu hành ngay tại quê hương của Tráng Tử Vô Dật Tuệ Tĩnh.
Điều này dẫn đến hệ quả là hiện nay, khách thập phương cũng các đài truyền hình Trung ương và địa phương vẫn cứ mặc định rằng Tuệ Tĩnh là vị tổ khai sơn của chùa Giám. Vì thế, năm 2005, bản tự đã phỏng theo tượng của Tuệ Tĩnh tại nghè Giám để làm một tượng mới và đặt thờ Tuệ Tĩnh ngay tại nhà tổ10 thay vì tượng Tuệ Tịnh.
Trên đây, bài viết đã lược thuật lại ý kiến cho rằng Tuệ Tĩnh là nhân vật của thế kỷ XVII. Lập luận của hai tác giả Hà Văn Tấn và Đỗ Tất Lợi khi khai thác tài liệu bi kí địa phương khó có thể đứng vững khi các tác giả đọc nhầm pháp hiệu có tự dạng và âm đọc gần giống nhau. Đến đây, có thể tạm thời đi đến nhận định rằng, Tuệ Tĩnh-thiền sư-y sư nổi tiếng và Tuệ Tịnh là hai người khác nhau. Còn Tuệ Tĩnh là ai, ông có những đóng góp gì cho lịch sử văn hóa Việt Nam? Vấn đề này chúng tôi xin được trình bày trong bài viết sau. —-
Đỗ Tất Lợi. (1986). Tuệ Tĩnh sinh và hoạt động ở thế kỷ nào? Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử. số 3 (228)/1986.tr.43
Thực tế, nguyên văn chữ Hán là 詣愚, âm Hán Việt là Nghệ ngu, nghĩa là “đạt đến cảnh giới ngu” (tức một trạng thái tinh thần tuệ triết theo quan điểm của nhà chùa), là một tên hiệu khiêm xưng tự tôn. Nay cải chính.
- Hà Văn Tấn. (1992). Bia chùa Giám với Thiền sư Tuệ Tĩnh. Trong “Thông báo Khảo cổ học”, Nxb KHXH, tr. 256-257.
- Mai Hồng & Phó Đức Thảo. (1994). Về nhân vật lịch sử Tuệ Tĩnh. Tạp chí Nghiên cứu Tuệ Tĩnh số 01(272)/1994, tr.62.
- Bia 嚴光禪寺天臺柱記。永盛貳年。
- Bia興功造殿碑嚴光禪寺記。永盛八年。
- Bia 嚴光禪寺名藍古跡興功構作聖象碑記. 永盛十三年
- Nhiều tác giả. (1995.). Hán ngữ đại tự điển (tập Trung). Tứ Xuyên từ thư xuất bản xã & Hồ Bắc từ thư xuất bản xã tr.1652.
- 嚴光禪寺天臺柱記。永盛貳年。Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706)
- Tham khảo Trang Thanh Hiền. Tái bản 2010. Cửu phẩm liên hoa trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam. Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.40, 50, 60.
- Bia Nghiêm Quang thiền tự – Danh lam cổ tích – Hưng công cấu tác – Thánh Tượng bi ký, dựng ngày 12/03 năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717), Chùa Giám.
- Theo Trang Thanh Hiền. 2010, sđd, tr.50.
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: sesua.vn là website tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn,Vui lòng gửi email cho chúng tôi nếu có bất cứ vi phạm bản quyền nào! Xin cám ơn!