Từ ngày 01/01/2025, những trường hợp nào phải phá dỡ công trình quốc phòng, di dời khu quân sự? (Ảnh internet)
Về vấn đề này, HOA NHUT LAW trả lời như sau:
Luật Quản lý, Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 2023 đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 24 tháng 11 năm 2023.
1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, trong trường hợp nào công trình quốc phòng phải phá dỡ, khu quân sự phải di dời?
Theo khoản 1, 2 Điều 13 Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự năm 2023, việc phá dỡ công trình quốc phòng, di dời khu quân sự được quy định như sau:
(1) Công trình quốc phòng bị phá dỡ trong các trường hợp sau đây:
– Bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn trong quản lý, khai thác, sử dụng;
– Hoàn thành các công trình xây dựng, lắp đặt tạm thời;
– Không còn nhu cầu sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng nhưng do yêu cầu bảo đảm bí mật nhà nước nên không thể thay đổi mục đích sử dụng;
– Trong phạm vi thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội mà cơ quan, tổ chức, nhà đầu tư thực hiện dự án không cần tiếp tục sử dụng hoặc phải phá dỡ để bảo đảm bí mật nhà nước;
– Xử lý các tình huống cấp bách theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
(2) Khu quân sự được di dời trong các trường hợp sau đây:
– Di dời theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng;
– Di dời để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Lưu ý: Việc phá dỡ công trình quốc phòng, di dời khu quân sự theo quy định trên phải thực hiện theo phương án, giải pháp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Thẩm quyền quyết định phá dỡ công trình quốc phòng, di dời khu quân sự
Khoản 3 Điều 13 Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự năm 2023 quy định thẩm quyền quyết định phá dỡ công trình quốc phòng, di dời khu quân sự được quy định như sau:
– Thủ tướng Chính phủ quyết định di dời khu quân sự trong trường hợp di dời theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng liên quan đến thu hồi đất và trường hợp di dời để thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội theo quy hoạch;
– Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định việc phá dỡ công trình quốc phòng quy định tại khoản (1) Điều 1; quyết định di dời khu quân sự trong trường hợp di dời theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng không thuộc các quy định nêu trên.
3. Tài trợ cho việc phá dỡ các công trình quốc phòng và di dời các khu quân sự
Chi phí phá dỡ công trình quốc phòng, di dời khu quân sự được quy định như sau:
– Ngân sách nhà nước bảo đảm các trường hợp sau đây:
+ Bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn trong quản lý, khai thác, sử dụng;
+ Hoàn thành các công trình xây dựng, lắp đặt tạm thời;
+ Không còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nhưng do yêu cầu bảo đảm bí mật nhà nước nên không thể thay đổi mục đích sử dụng;
+ Xử lý các tình huống cấp bách theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
+ Di dời theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng;
Lưu ý: Trường hợp trên không liên quan đến việc thu hồi đất quốc phòng;
– Cơ quan, tổ chức, nhà đầu tư thực hiện dự án có trách nhiệm thanh toán trong các trường hợp sau:
+ Trong phạm vi thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội mà cơ quan, tổ chức, nhà đầu tư thực hiện dự án không cần tiếp tục sử dụng hoặc phải phá dỡ để bảo đảm bí mật nhà nước;
+ Di dời theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng;
+ Di dời để thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Lưu ý: Trường hợp trên liên quan đến việc thu hồi đất quốc phòng.
(Khoản 5 Điều 13 Luật Quản lý, Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 2023)
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: sesua.vn là website tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn,Vui lòng gửi email cho chúng tôi nếu có bất cứ vi phạm bản quyền nào! Xin cám ơn!