Tóm tắt chính sách hỗ trợ hợp tác xã từ ngày 01/07/2024 (Ảnh internet)
Về vấn đề này, HOA NHUT LAW trả lời như sau:
1. Tóm tắt chính sách hỗ trợ hợp tác xã từ ngày 01 tháng 07 năm 2024
1.1 Chính sách phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn
– Xây dựng và triển khai nội dung đào tạo về kinh tế tập thể vào chương trình đào tạo của một số trường đại học, chương trình đào tạo lý luận chính trị, chương trình đào tạo quản lý nhà nước.
– Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho thành viên, người lao động làm việc tại các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức đại diện và các cơ quan, tổ chức liên quan.
– Hỗ trợ chế độ lương, thưởng, phúc lợi để thu hút lao động chất lượng cao vào làm việc tại các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
– Xây dựng và triển khai chương trình truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức quản lý, sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
– Hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý, tiếp cận nguồn vốn và các vấn đề khác trong quá trình thành lập, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chuyển đổi tổ hợp tác thành hợp tác xã.
– Xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
– Nhân rộng các mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hiệu quả.
– Hợp tác quốc tế về đào tạo chính quy về kinh tế tập thể.
1.2 Chính sách đất đai
– Trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chính quyền địa phương phải ưu tiên giao đất cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê; có chính sách ưu đãi hợp lý về giá thuê đất, thời hạn thuê đất đối với tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chưa được hỗ trợ tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
– Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước để sản xuất, kinh doanh thì được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; trường hợp thuê, thuê lại đất, thuê mặt nước của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sản xuất, kinh doanh thì Nhà nước hỗ trợ tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.
– Nhà nước tạo điều kiện cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sử dụng đất ổn định vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về đất đai.
1.3 Chính sách thuế, phí và lệ phí
– Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế, phí, lệ phí trong cùng lĩnh vực, ngành, nghề, địa bàn theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí.
– Không thu lệ phí đăng ký hợp tác xã, không thu lệ phí công bố nội dung đăng ký trên hệ thống thông tin điện tử của cơ quan đăng ký kinh doanh.
– Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với:
+ Thu nhập từ giao dịch nội bộ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
+ Thu nhập của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi tham gia liên kết với các cá nhân, tổ chức khác hình thành chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức vì mục tiêu phát triển bền vững;
+ Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
– Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập không chia hình thành quỹ chung, phần thu nhập không chia hình thành tài sản chung của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
– Miễn, giảm lệ phí môn bài đối với tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
– Miễn lệ phí trước bạ cho cá nhân, tổ chức khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản góp vốn vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
1.4 Chính sách tiếp cận vốn và bảo hiểm
– Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hưởng chính sách tiếp cận vốn như sau:
+ Vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;
+ Hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX theo quy định của Chính phủ;
+ Ưu tiên tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ phát triển khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và các tổ chức tài chính theo quy định của pháp luật vì mục tiêu phát triển bền vững;
+ Hỗ trợ nâng cao năng lực tài chính cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng;
+ Ưu tiên, hỗ trợ sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương vào hoạt động xúc tiến đầu tư.
– Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hỗ trợ phí bảo hiểm đối với tài sản chung không phân chia khi tham gia bảo hiểm của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
– Thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
1.5 Chính sách ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
– Hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đổi mới, nâng cao năng suất dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính; đổi mới công nghệ, tiếp nhận, cải tiến, hoàn thiện, làm chủ công nghệ thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, tìm kiếm, giải mã và chuyển giao công nghệ; xác lập, quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ.
– Hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất và lưu thông sản phẩm thông qua xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, cung cấp thiết bị đầu cuối và các phần mềm, ứng dụng dùng chung.
– Hỗ trợ xây dựng website cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và kết nối với Hệ thống thông tin hợp tác xã quốc gia.
– Hỗ trợ tài chính cung cấp dịch vụ tư vấn chuyển giao công nghệ cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo nhu cầu và theo hợp đồng đã ký với đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn.
1.6 Nghiên cứu thị trường và chính sách tiếp cận
– Hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cung cấp thông tin pháp lý, kinh tế; khảo sát, nghiên cứu thị trường; thông tin dự báo, cảnh báo về các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
– Hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, áp dụng và chứng nhận tiêu chuẩn để phát triển thị trường.
– Hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong việc xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, xuất xứ sản phẩm; đăng ký và đưa sản phẩm ra thị trường.
– Hỗ trợ việc tạo ra các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc địa phương, có đặc điểm về giá trị kinh tế, văn hóa và lợi thế địa phương.
– Hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; xây dựng, triển khai, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử.
– Ưu tiên, hỗ trợ sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương vào hoạt động xúc tiến thương mại.
1.7 Chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và trang thiết bị
– Hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phục vụ sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
– Chuyển giao một số công trình hạ tầng của Nhà nước phục vụ lợi ích chung của cộng đồng cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa theo quy định của pháp luật.
– Chuyển giao một số công trình công cộng, cơ sở hạ tầng khác cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sử dụng làm trụ sở, kho tàng, cửa hàng, phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
– Hỗ trợ vốn đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác.
1.8 Chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro
– Hỗ trợ chi phí kiểm toán cho các hợp tác xã siêu nhỏ, nhỏ khi được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định.
– Hỗ trợ các tổ chức đại diện và hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong việc đánh giá rủi ro, tư vấn tài chính; tư vấn kiểm soát nội bộ, tư vấn kiểm toán nội bộ cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
1.9 Chính sách hỗ trợ cho hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp
Ngoài các chính sách nêu trên, các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được hưởng các chính sách sau:
– Hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;
– Hỗ trợ vốn, giống, khoa học công nghệ khi các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chuyển đổi sang sản xuất bền vững, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu;
– Hỗ trợ chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất, đất có mặt nước của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp tập trung.
2. Nguồn vốn thực hiện chính sách hỗ trợ hợp tác xã
– Vốn từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
– Nguồn vốn từ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
– Nguồn tín dụng ưu đãi theo quy định của pháp luật.
– Nguồn huy động, tài trợ hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Căn cứ pháp lý: Các điều 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26 và 27 của Luật Hợp tác xã năm 2023.
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: sesua.vn là website tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn,Vui lòng gửi email cho chúng tôi nếu có bất cứ vi phạm bản quyền nào! Xin cám ơn!