Quy định mới về hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình từ ngày 25/12/2023 (Ảnh Internet)
Về vấn đề này, HOA NHUT LAW trả lời như sau:
Ngày 01 tháng 11 năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Quy định mới về chế độ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình từ ngày 25/12/2023
Cụ thể, Điều 28 Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định chế độ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình như sau:
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ một phần kinh phí tư vấn tâm lý, kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình cho nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình.
– Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu khi thực hiện lệnh cấm tiếp xúc, áp dụng hỗ trợ theo quy định đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
– Trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình bị tổn hại về sức khỏe được chăm sóc, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Nghị định 76/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25 tháng 12 năm 2023.
Quyền và trách nhiệm của nạn nhân bạo lực gia đình
(1) Về quyền
Nạn nhân của bạo lực gia đình có các quyền sau đây:
– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác liên quan đến hành vi bạo lực gia đình;
– Yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, hỗ trợ theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022;
– Được bố trí nơi tạm trú, giữ gìn nơi tạm trú và thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 và các quy định pháp luật khác có liên quan;
– Được cung cấp các dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật;
– Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, thiệt hại về tài sản;
– Được thông tin về quyền và nghĩa vụ liên quan đến quá trình giải quyết xung đột, tranh chấp giữa các thành viên gia đình và xử lý hành vi bạo lực gia đình;
– Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;
– Các quyền khác theo quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.
(2) Về trách nhiệm
Người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời liên quan đến hành vi bạo lực gia đình khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
(Điều 9 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022)
Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình
Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình bao gồm:
(i) Buộc chấm dứt bạo lực gia đình;
(ii) Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến cơ quan công an cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình;
(iii) Cấm tiếp xúc;
(iv) Bố trí nơi trú ẩn tạm thời và hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu;
(v) Chăm sóc và điều trị cho nạn nhân bạo lực gia đình;
(vi) Trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình;
(vii) Giáo dục và hỗ trợ thay đổi hành vi bạo lực gia đình;
(viii) Bình luận, phê phán người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng;
(ix) Thực hiện công tác phục vụ cộng đồng;
(x) Biện pháp phòng ngừa và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; biện pháp phòng ngừa và bảo vệ nạn nhân theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình.
Việc áp dụng các biện pháp quy định từ (i) đến (ix) nêu trên đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
(Điều 22 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022)
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: sesua.vn là website tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn,Vui lòng gửi email cho chúng tôi nếu có bất cứ vi phạm bản quyền nào! Xin cám ơn!