Năm 2024, thu ngân sách trung ương giảm, thu ngân sách địa phương tăng (Ảnh từ Internet)
Về vấn đề này, HOA NHUT LAW trả lời như sau:
Năm 2024, thu ngân sách trung ương giảm, thu ngân sách địa phương tăng.
Ngày 10 tháng 11 năm 2023, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 105/2023/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.
Trong đó, đề cập đến nội dung tổng thu, chi ngân sách trung ương năm 2024, cụ thể như sau:
(1) Tổng thu ngân sách trung ương là 852.682 tỷ đồng (tám trăm năm mươi hai nghìn sáu trăm tám mươi hai tỷ đồng).
Tổng thu ngân sách địa phương là 848.305 tỷ đồng (tám trăm bốn mươi tám nghìn, ba trăm linh năm tỷ đồng).
Số tiền còn lại từ cải cách tiền lương ngân sách địa phương đến hết năm 2023 chuyển vào bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng (mười chín nghìn bốn mươi tỷ đồng) để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.
(2) Tổng chi ngân sách trung ương là 1.225.582 tỷ đồng (một triệu, hai trăm hai mươi lăm nghìn, năm trăm tám mươi hai tỷ đồng), trong đó dự toán 426.266 tỷ đồng (bốn trăm hai mươi sáu nghìn, hai trăm sáu mươi sáu tỷ đồng) bổ sung cân đối ngân sách (bao gồm cả số dư bổ sung tăng 2% so với dự toán ngân sách nhà nước năm 2023), bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (bao gồm cả bổ sung có mục tiêu cho một số địa phương để bảo đảm mức dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 không thấp hơn dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2023).
Theo Nghị quyết 70/2022/QH15 về phân bổ ngân sách năm 2023, tổng thu ngân sách trung ương là 863.567 tỷ đồng; tổng thu ngân sách địa phương là 757.177 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách trung ương là 1.294.067 tỷ đồng. Trong đó, dự toán 436.204 tỷ đồng bổ sung cân đối ngân sách và bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Như vậy, so với Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách năm 2023, tổng thu ngân sách trung ương năm 2024 giảm 10.885 tỷ đồng, tổng thu ngân sách địa phương tăng 91.128 tỷ đồng; tổng chi ngân sách trung ương giảm 68.485 tỷ đồng.
Để thực hiện phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước theo hướng tập trung, trọng điểm, đúng điều kiện, thứ tự ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trả hết nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật;
Thu hồi toàn bộ vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; bố trí đủ vốn cho các dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2024, vốn đối ứng cho các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ lập kế hoạch, dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2024;
Bố trí vốn theo tiến độ đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, dự án có tác động liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, các dự án chuyển tiếp theo tiến độ; sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ trên, phần vốn còn lại được bố trí cho các dự án mới khởi công đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.
Siết chặt kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm các vi phạm, vướng mắc làm chậm tiến độ phân bổ, triển khai và giải ngân vốn; quy định cụ thể trách nhiệm người đứng đầu khi triển khai, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Mọi thắc mắc vui lòng gửi về Hotline 09633458xxx hoặc địa chỉ email [email protected] để làm rõ. Trân trọng!
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: sesua.vn là website tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn,Vui lòng gửi email cho chúng tôi nếu có bất cứ vi phạm bản quyền nào! Xin cám ơn!