Đề xuất sửa đổi đối tượng được miễn đăng ký bảo vệ môi trường theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP (Ảnh từ Internet)
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị định).
Đề xuất sửa đổi đối tượng được miễn đăng ký bảo vệ môi trường theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP
Theo đó, Khoản 12 Điều 1 của dự thảo Nghị định đề xuất sửa đổi đối tượng được miễn đăng ký bảo vệ môi trường tại Điều 32 Nghị định 08/2022/NĐ-CP như sau:
(1) Các dự án đầu tư, cơ sở quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 49 của Luật Bảo vệ môi trường.
(2) Dự án đầu tư quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường khi đưa vào hoạt động, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phát sinh chất thải hoặc đồng thời đáp ứng các tiêu chí sau:
– Phát sinh chất thải nguy hại thường xuyên dưới 20 kg/tháng hoặc dưới 240 kg/năm;
– Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh dưới 300 kg/ngày;
– Nước thải phát sinh dưới 05 m3/ngày đêm và khí thải dưới 50 m3/giờ được xử lý bằng thiết bị xử lý tại chỗ hoặc quản lý theo quy định của chính quyền địa phương.
(3) Các đối tượng quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 49 của Luật Bảo vệ môi trường được quy định cụ thể tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP.
Hiện nay, tại Điều 32 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, các đối tượng được miễn đăng ký bảo vệ môi trường bao gồm: (1) Các dự án đầu tư, cơ sở quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường: Các dự án đầu tư mới tại khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải xử lý sơ bộ, đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp. Lưu lượng, thông số ô nhiễm của nước thải chuyển về xử lý không được vượt quá tiêu chuẩn nước thải đầu vào của hệ thống xử lý nước thải tập trung; đáp ứng các điều kiện trong thỏa thuận với chủ đầu tư về xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và giấy phép về môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; trừ trường hợp cơ sở đã được miễn đấu nối theo quy định. (2) Dự án đầu tư khi đi vào hoạt động và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dưới 300 kg/ngày được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương; hoặc phát sinh nước thải dưới 05 m3/ngày, khí thải dưới 50 m3/giờ được xử lý tại chỗ hoặc được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương. (3) Danh mục dự án đầu tư, cơ sở được miễn đăng ký bảo vệ môi trường quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP. |
Nguyên tắc bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ Môi trường
Nguyên tắc bảo vệ môi trường theo Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 như sau:
– Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân.
– Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, trung tâm và tiền đề cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và phải được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển.
– Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành cho mọi người.
– Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch; ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lý rủi ro môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải.
– Bảo vệ môi trường phải phù hợp với pháp luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế – xã hội; thúc đẩy phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
– Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; người gây ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường phải bồi thường, khắc phục thiệt hại, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
– Hoạt động bảo vệ môi trường phải bảo đảm không phương hại đến chủ quyền, an ninh, lợi ích quốc gia, gắn chặt với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu.
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: sesua.vn là website tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn,Vui lòng gửi email cho chúng tôi nếu có bất cứ vi phạm bản quyền nào! Xin cám ơn!